Kiếp gian truân Trần_Viên_Viên

Hai lần lận đận

Trần Viên Viên ở chốn dân gian làm ca kỹ, khó tránh khỏi kiếp dùng sắc bán thân. Có rất nhiều truyền thuyết về đoạn thời gian này của bà, nổi tiếng nhất là câu chuyện trong Thiên Hương các tùy bút (天香阁随笔) về người Giang Âm tên Cống Nhược Phủ (贡若甫) từng lấy số tiền lớn chuộc Trần Viên Viên làm thiếp, nhưng chính thê của Nhược Phủ không dung túng được Viên Viên. Nhưng khi cha của họ Cống thấy Viên Viên thì kinh hô lên; ["Là quý nhân"], do vậy mà đuổi Viên Viên đi, không đòi bồi thường tiền[9].

Sau khi rời khỏi nhà họ Cống, Trần Viên Viên gặp được Mạo Tương (冒襄), cả hai có một đoạn tình duyên, đến nỗi từng ước hẹn hôn nhân, cả hai hay cùng hẹn gặp ở Tô Châu. Khoảng năm Sùng Trinh thứ 14 (1641), Trần Viên Viên mạo hiểm đến tận nhà họ Mạo, gặp mẹ của Mạo Tương mà bái lạy, nói ra ước hẹn hôn nhân giữa bà cùng Mạo Tương. Hai người cảm tình lưu luyến, nhưng từ đó Mạo Tương lại lấy lý do loạn lạc chết chóc mà chần chừ không chịu cưới hẳn Viên Viên, trong lúc bà thất vọng thì gặp được Điền Hoằng Ngộ, lúc ấy phụng mệnh đến Giang Nam tìm ca kỹ phục vụ Hoàng đế. Theo Ảnh Mai am ức ngữ (影梅庵忆语) của Mạo Tương, cả hai đính ước là vào mùa thu năm Sùng Trinh thứ 14, từ nay về sau trong nhà có chuyện, không thể hoàn thiện tâm nguyện một đời của Viên Viên, nhưng về sau Viên Viên tích cực gửi thư nên Mạo Tương dần có quyết tâm, đến năm Sùng Trinh thứ 15 muốn cùng Viên Viên hẹn gặp khi "Trọng xuân" (仲春), tức tháng 2 nông lịch. Không ngờ Viên Viên vào 10 ngày trước đã bị đưa đến kinh sư.

Vào kinh làm thiếp

Khoảng năm Sùng Trinh thứ 15 đến năm thứ 16 (1642 - 1643), Sùng Trinh Đế đang gặp chuyện không vui ở chính sự, làm cho cha của Chu Hoàng hậuChu Khuê (周奎) rất lo lắng, muốn tìm mỹ nhân dâng lên Hoàng đế để giải tỏa ưu tư, truyền lệnh cho cha của Điền Quý phiĐiền Hoằng Ngộ (田戚畹) tìm mỹ nữ Giang Nam. Sau đó, Điền Hoằng Ngộ đem các danh kỹ Trần Viên Viên, cùng với Dương Uyển (楊宛), Cố Tần (顧秦) dâng lên cho Sùng Trinh Đế[10][11]. Lúc này, chiến tranh diễn ra liên miên, Hoàng đế không muốn nghe đến áp lực nên mải mê khoái lạc.

Phục vụ được một thời gian, không rõ lý do gì mà Trần Viên Viên trở lại Điền phủ, bị Điền Hoằng Ngộ chiếm luôn làm của riêng. Khi ấy, Điền Hoằng Ngộ đang dần thất thế do Điền Quý phi đã qua đời, cho nên tích cực tìm đồng minh, trong đó có Ngô Tam Quế đang nắm nhiều binh quyền, vì vậy Điền Hoằng Ngộ thường mời Ngô Tam Quế đến nhà riêng. Một ngày, Ngô Tam Quế tới Điền phủ tình cờ nhìn thấy Trần Viên Viên nhan sắc diễm lệ động lòng người, nhất kiến chung tình, nên hỏi chuyện Điền Hoằng Ngộ. Họ Điền vì muốn lấy lòng Tam Quế mà hoan hỉ đưa Viên Viên đến nhà họ Ngô, thế là Viên Viên trở thành thiếp của Ngô Tam Quế bắt đầu từ đấy[12][13]. Có nguồn khác lại ghi:「"Viên Viên được vào Hoàng cung để hầu hạ Sùng Trinh Đế, nhưng chỉ được 3 ngày, bị Hoàng hậu đưa ra cung. Sau được Chu quốc trượng gả cho Ngô Tam Quế"」. Về sau, Viên Viên cũng được họ Ngô sủng ái, tuy nhiên, khi Ngô Tam Quế được cử ra trấn thủ Sơn Hải quan để ngăn chặn quân Mãn Châu thì bà không theo ra trận mà vẫn ở lại Bắc Kinh.

Năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), lực lượng của Sấm vương Lý Tự Thành vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế. Sùng Trinh Đế bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Trần Viên Viên bị thuộc tướng của Lý Tự Thành là Lưu Tông Mẫn chiếm đoạt và cướp vào trong cung hầu hạ Lý Tự Thành.

Chính Minh sử chép lại, khi nghe tin quân nổi dậy uy hiếp kinh đô, Ngô Tam Quế liền dẫn binh về cứu. Dọc đường, biết Bắc Kinh đã thất thủ, Minh Đế đã chết, lại nghe Lý Tự Thành dụ dỗ nên họ Ngô đã định hàng[14]. Nhưng khi đến Loan Châu, Tam Quế hay tin ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, thế là Ngô Tam Quế nổi giận, đến xin hợp với quân của Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn đem quân quay về đánh kinh thành[15]. Đây là một quyết định rất quan trọng ảnh hưởng nhất đến lịch sử Trung Quốc bấy giờ[16][17]. Cuộc chiến tranh lần hai này được sử sách ghi chép lại đã trở thành cuộc nội chiến vô cùng đẫm máu, khiến rất nhiều binh lính và dân thường thương vong, làng mạc xác xơ hoang tàn, cảnh tượng máu chảy đầu rơi khắp chốn. Chẳng thế mà, người đời đều oán than, căm thù, phỉ báng Trần Viên Viên, vì cho rằng nàng chính là nguyên nhân gây ra tất cả, cứ như vậy, nỗi oan khuất chiến tranh đã giáng xuống đầu của nàng kỹ nữ tài sắc vô tội này. Lực lượng Lý Tự Thành, sau đó bị liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Thanh đánh bại, phải bỏ chạy khỏi kinh đô, rồi Lý Tự Thành bị dân làng giết chết[18]. Tiếp theo, Ngô Tam Quế diệt luôn được nhà Nam MinhNam Kinh, nên được nhà Thanh phong là Tây Bình vương, cho trấn thủ ở Vân Nam.

Kết cục

Kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại lẫn sự truyền miệng của nhiều người thì nàng có nhiều kết cục khác nhau[19][20][21][22].

Theo một số tài liệu được ghi lại thì sau khi chiến thắng và thành lập nhà Thanh, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế, khi ấy đã được nhà Thanh phong làm Bình Tây vương và làm chủ một vùng Vân Nam rộng lớn. Về sau, Ngô Tam Quế có phú quý, ngày càng nạp nhiều thiếp thất, Viên Viên vốn bất hòa với vợ cả của Tam Quế, mà nhan sắc ngày càng suy mà cũng thất sủng, vì vậy dần rời khỏi phủ họ Ngô quyết định xuất gia. Cũng có tài liệu ghi rằng Trần Viên Viên đã bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ.

Tuy nhiên, kết cục phổ biến nhất được nhiều người kể lại là: Sau khi quân Mãn Thanh dẹp được Lý Tự Thành, mở ra một trang mới cho lịch sử Trung Quốc. Ngô Tam Quế nhờ vậy cũng trở thành một vị đại tướng của nhà Thanh. Thế nhưng, cay đắng thay cho Trần Viên Viên, do lo ngại bị điều tiếng lấy phải kỹ nữ, Ngô Tam Quế liền đưa nàng lên sống cô đơn trên một ngôi chùa vắng ở Côn Sơn - Vân Nam. Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh Thanh trở thành một vị Đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh[1]. Mỗi lời truyền miệng mang sắc thái khác nhau nhưng lại được phổ biến trong văn hóa dân gian[23][24].